Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Nghi thức tế lễ giỗ tổ Hùng Vương
Bộ Văn hóa hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng. Trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 đã ghi rõ Lễ phẩm bao gồm:
Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh hướng dẫn đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau, đều có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).
Việc thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương tại các gia đình
Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN cho biết, tại các chùa hiện không tổ chức cúng giỗ vào ngày giỗ tổ Hùng Vương, đây không phải là một hoạt động truyền thống của giáo hội, cũng ít gia đình tổ chức cúng giỗ vào ngày này.
Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, kể từ năm 2007, khi Quốc hội chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ thì ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với mỗi người dân Việt Nam, tạo ra dư luận xã hội tốt, là dịp để những người dân tỏ lòng thành tâm hướng về cội nguồn tổ tiên./.